Kinh nghiệm xây nhà ở

Thứ Ba, 05/04/2016, 09:02 GMT+7

- Chọn mua vật liệu

Chọn những loại vật liệu tốt, đảm bảo, tất nhiên ko quá túi tiền. Nhiều gia đình quá chú trọng đầu tư vào phần hoàn thiện, nội thất. Chất lượng gạch, đá hồ vữa mới là yếu tố quyết định sự vững chắc, chống thấm nứt, v.v...

Nên chọn mua vật liệu ở những nguồn tin tưởng, có người bảo lãnh, nguồn gốc rõ ràng. Cùng một loại gạch, thép hình dạng gần như nhau nhưng chất lượng có đến 4,5... loại. Gia chủ phải nắm được để mua đúng loại mình cần.

Trong quá trình xây dựng, phải dặn dò đội thi công nếu có mẻ vật liệu nào kém chất lượng thì báo ngay để kịp thời bắt bên cung cấp vật liệu đổi lại cho mình. Đồng thời trách phạt nghiêm khắc.

- Bảo vệ vật liệu: Thuê một người ngủ canh và giám sát 24/24. Tốt nhất là chọn người trong họ mạc, có sức khỏe, nhiệt tình và thật thà. Sắm một TV loại bình dân, một điện thoại di động nồi đồng cối đá cho giám sát. Vật liệu phải che chắn cẩn thận, đặc biệt là tránh mưa dột. Xi măng cần kê cao khỏi nền một khoảng nhất định. Thép thì tiến độ đến đâu đưa về đến đấy. Lấy thép về sớm sẽ làm thép biến chất và cũng khó để canh giữ. Thép cây lấy về cần mua xích sắt loại to để khóa chùm lại, bọn trộm sẽ rất khó bê cả chùm thép, trong khi một vài cây thì chúng "nhảy" rất nhanh.

- Thi công:

Phần nề (xây, đo, giác, cân) thì đội thợ cứng sẽ tự làm được, hồ cháo xây cũng có tỷ lệ rõ ràng, thợ làm được luôn, nhưng phần thép thì nhất thiết phải có người có chuyên môn hướng dẫn. Đội thợ lành nghề có thể nhìn bản vẽ để cắt buộc thép đúng nhưng không thể chính xác tuyệt đối. Trong khi thợ luôn muốn làm đơn giản nhất để lợi công. Những chỗ uốn móc, đai cột đai dầm, cắt ráp thép sẽ làm phiên phiến, thành ra nhất thiết phải có người hướng dẫn và giám sát công đoạn cắt buộc thép trước khi đổ bê tông.

Để rút ngắn thời gian thi công, bên thợ thường tư vấn cho chủ nhà rút bớt những chi tiết phức tạp, cầu kì. Cho nên chủ nhà phải có lập trường để bảo vệ ý tưởng thiết kế. Còn những chỗ mà đội thợ cho rằng bất hợp lý thực sự thì cần gọi người thiết kế đến để bàn bạc, nếu cần sẽ sửa đổi, chứ không để thợ tự tiện chỉnh sửa.

Đội thợ thường nhận thêm nhiều công trình một lúc nếu được, như thế sẽ phân tán thợ ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Cho nên lúc hợp đồng phải ghi chú rõ ràng số lượng thợ luôn đảm bảo, thường là 4,5 người thợ chính + 1,2 thợ phụ trở lên. Nếu không thì cho nghỉ thẳng cánh. Trừ những trường hợp đặc biệt mới cho phép thợ "chống cháy" dùm chỗ khác, còn thì phải luôn đảm bảo số thợ có mặt ở công trình.

- Thanh toán:

Nên thanh toán kịp thời theo từng giai đoạn để động viên tinh thần của thợ. Tất nhiên không trả quá khối lượng công việc làm được. Ví dụ thợ làm được 1/3 công trình, thì mình trả 1/4...

Xong từng phần như móng, cột, mái thì chủ nhà mời đội thợ đi nhậu một bữa, hoặc neo người thì đưa tiền cho chủ thợ để chủ thợ dẫn anh em thợ đi ăn. Nên đưa tiền cho chủ thợ ngay giữa đám thợ để đám thợ biết số tiền mình đưa cho chủ, tránh trường hợp đưa nhiều mà chủ thợ ỉm một phần.

Thỉnh thoảng cần bồi dưỡng riêng cho phụ hồ. Việc này khá quan trọng vì nếu hồ cháo được trộn đều thì chất lượng công trình sẽ tốt, và cuối buổi nếu hồ rơi vãi được thu vét chu đáo thì sẽ tiết kiệm được đáng kể xi măng, cát.

Trong suốt quá trình làm nhà phải luôn tôn trọng và động viên đội thợ, gần gũi và thân thiện đồng thời nghiêm khắc và kỹ tính để thợ làm cẩn thận và đảm bảo đúng thiết kế đã định.

Kinh nghiệm xây nhà ở

Kinh nghiệm xây nhà ở

Những sai lầm thường gặp khi bắt đầu xây nhà

1. Nên chọn mùa nào để xây nhà? Có phải mùa khô sẽ tốt hơn?

Nhiều gia chủ nghĩ rằng xây nhà vào mùa khô ráo sẽ tốt hơn, nhưng theo nguyên tắc xây dựng là không chính xác. Thực tế, mùa khô sẽ giúp việc đổ bê tông nhanh khô, tiến độ thi công nhanh hơn, nhưng về mặt kết cấu bê tông đổ vào mùa này sẽ dễ bị nứt do giãn nở nhiệt nếu không bảo dưỡng tốt.

Lợi điểm duy nhất của việc xây nhà mùa khô là thời gian hoàn tất nhanh hơn, nhưng khó đạt chất lượng chuẩn và khó kiểm tra được lỗi thi công bị thấm ở đâu mà chỉ đến khi đợi sang mùa mưa mới phát hiện được thì đã muộn.

Theo kinh nghiệm của các kiến trúc sư, nhà xây vào mùa mưa sẽ có chất lượng thi công tốt hơn. Bởi về mặt kết cấu, bê tông đổ vào mùa mưa sẽ ít giãn nở nhiệt gây nứt mặt và dễ thấy được những lỗi rò rỉ, dễ dàng xử lý chống thấm. Mùa mưa cũng có nhược điểm là chi phí thi công cao hơn vì tính nguy hiểm, và thời gian thi công sẽ lâu hơn do khi trời mưa, công việc bị gián đoạn.

Do đó trước khi xây dựng, gia chủ cần cân nhắc ưu và nhược điểm của từng dạng thời tiết mà có lựa chọn phù hợp nhất cho gia đình. Hơn nữa khi hiểu rõ những vấn đề có thể gặp phải trong suốt quá trình thi công, bạn sẽ chủ động hơn trong việc ứng phó và đưa ra phương án dự phòng.

2. Đợi đến thời điểm giá vật tư giảm mới bắt đầu xây nhà?

Đây là quan niệm của hầu hết mọi người, chờ giá vật tư giảm rồi mới mua nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, thực chất trên thị trường vật giá, vật tư xây dựng và thiết bị, vật liệu trang trí có độ tăng, giảm khác nhau trong cùng một thời điểm. Khi vật liệu này tăng thì vật liệu kia giảm, tất cả đều không giảm hoặc tăng tỷ lệ thuận với nhau. Nên so ra tổng quan, bạn sẽ không được lợi về mặt giá. Đôi khi giá nguyên liệu thô như gạch, đá, xi măng giảm, nhưng giá thiết bị và vật tư hoàn thiện lại tăng. Theo ghi nhận của các kiến trúc sư, việc lựa chọn thời điểm vật liệu xây dựng giảm giá không làm giảm đáng kể tổng chi phí xây dựng nhà đẹp.

3. Mất thời gian bao lâu để có được bản vẽ cơ sở khái quát của ngôi nhà và bản vẽ chi tiết?

Thông thường bản vẽ cơ sở gồm mặt bằng và phối cảnh sẽ mất từ 5 đến 7 ngày thực hiện. Kiến trúc sư hay đơn vị thiết kế cùng bàn bạc thống nhất quan điểm với gia chủ về vấn đề này. Sau khi điều chỉnh nhiều lần để ra được bản thiết kế mong muốn, đơn vị thiết kế sẽ theo bản vẽ thống nhất lập bản vẽ xin cấp phép xây dựng. Đợi đến khi có giấy phép xây dựng thì sẽ vẽ chi tiết kỹ thuật, bố trí điện nước và kết cấu. Thời gian hoàn tất sẽ mất khoảng 1-3 tháng, tùy theo mức độ phức tạp của công trình và sự chỉnh sửa thay đổi của gia chủ.

Những sai lầm thường gặp khi bắt đầu xây nhà

Những sai lầm thường gặp khi bắt đầu xây nhà

Các thủ tục cần chuẩn bị khi cấp phép xây dựng nhà ở

Thời gian cấp phép xây dựng

Đối với trường hợp xây mới, thời gian không quá 20 ngày làm việc đối với công trình, 15 ngày làm việc đối với nhà ở riêng lẻ đô thị, và 10 ngày làm việc đối với nhà đẹp nông thôn kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

Đối với trường hợp gia hạn giấy phép thì không quá 10 ngày làm việc sau khi cơ quan chúc năng nhận đủ giấy tờ hợp lệ

Trong trường hợp cần phải xem xét thêm thì cơ quan chức năng cấp phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ nhà, chủ đầu tư biết lý do nhưng thời gian thêm không quá 10 ngày làm việc

Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng mới

Đối với nhà riêng lẻ đô thị thì hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp phép xây dựng (theo mẫu tại phụ lục số 13 của thông tư 10/2012/TT-BXD)

- Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất (sổ hồng hoặc sổ đỏ)

- Hai bộ bản vẽ thiết kế, bao gồm:

• Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất (tỷ lệ 1/50 – 1/500) kèm theo sơ đồ vị trí công trình

• Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình (tỷ lệ 1/50 – 1/200)

• Bản vẽ mặt bằng móng (T/l: 1/50 – 1/200) và mặt cắt móng (T/l: 1/50), kèm theo hồ sơ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý và thoát nước thảy, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.

Đối với nhà ở riêng lẻ nông thôn:

- Đơn đề nghị cấp phép xây dựng (theo mẫu tại phụ lục số 14 của thông tư 10/2012/TT-BXD)

- Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất (sổ hồng hoặc sổ đỏ)

- Hai bộ bản vẽ thiết kế, mỗi bộ gồm:

• Sơ đồ mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/50 – 1/500 (theo mẫu tại phụ lục 15 của thông tư 10/2012/TT-BXD)

• Bản vẽ các mặt đứng chính của công trình, tỷ lệ 1/50 – 1/200

• Bản vẽ sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200

Đối với công trình xây chen có tầng hầm

Ngoài các hồ sơ cần như trên thì bạn cần phải bổ sung thêm văn bản phê duyệt biện pháp thi công móng và tầng hầm của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và nhà lân cận

Hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa cải tạo

- Đơn đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở theo mẫu phụ lục 16

- Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất (sổ hồng hoặc sổ đỏ)

- Bản vẽ hiện trạng nhà (bao gồm các bản vẽ và tỷ lệ tương tự như xây mới)

- Ảnh chụp nhà ở hiện trạng (10x15) trước khi cải tạo (bao gồm nhà bạn và các công trình lân cận nhà bạn)

- Trường hợp nhà bạn được xếp vào loại nhà di tích, văn hóa, danh lam,… thì bạn phải liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước (được phân cấp) để được chấp thuận cải tạo bằng văn bản.

Vậy là bạn đã có thể hiểu rõ trình tự và hồ sơ cần thiết cho việc nộp hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng. Tiếp theo là bạn chỉ chờ cơ quan chức năng cấp cho bạn giấy phép xây dựng mà thôi.

Nguồn: http://xaydungnhadep.vn/kinh-nghiem-xay-nha-o-345.html

Tags: xây nhà, kinh nghiệm xây nhà, tư vấn xây nhà, bí quyết xây nhà, mẹo xây nhà đẹp, các thủ tục nhà ở, tư vấn thủ tục nhà ở
NhanhDeDang.com.vn / Mua hàng nhanh dễ dàng
Tags: xây nhà, kinh nghiệm xây nhà, tư vấn xây nhà, bí quyết xây nhà, mẹo xây nhà đẹp, các thủ tục nhà ở, tư vấn thủ tục nhà ở
NhanhDeDang.com.vn / Mua hàng nhanh dễ dàng